HTX NÔNG NGHIỆP THỚI THẠNH Số: 01-DA/HTX | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————— –Thới Thạnh, ngày 05 tháng 6 năm 2023 |
1.Sự cần thiết của dự án
Hiện nay mặt hàng nông sản an toàn, sạch ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, tạo ra dược sản phẩm sạch và an toàn sẽ tăng sức cạnh tranh của HTX trên thị trường, cả trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài
Người tiêu dùng đang mất lòng tin về chất lượng sản phẩm và vấn đề an toàn thực phẩm nên HTX hướng dẫn người dân sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, năm 2023 tiếp tục phối hợp công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới phát triển thêm diện tích canh tác hữu cơ trên địa bàn xã.
HTX giúp thành viên tổ chức sản xuất theo hướng “an toàn, giảm chi phí, hướng đến sản xuất sạch, hữu cơ…” bằng việc áp dụng các thiết bị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tư vấn và hướng dẫn cho xã viên sản xuất.
Nguyên tắc của dịch vụ này là phải có sự đồng ý của nhiều hộ dân với diện tích đất trồng đủ rộng lớn để áp dụng chuỗi sản xuất, HTX không thu phí hay thu 1 khoản phí rất nhỏ từ thành viên để đủ chi phí duy trì hoạt động nhằm khuyến khích người dân tham gia cùng HTX. Từ đó, HTX kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật từ phía công ty.
2. Mục tiêu của dự án
2.1 Mục tiêu ngắn hạn – năm 2023 – 2025
– Ổn định tổ chức và bộ máy vận hành của HTX với số lượng thành viên tham gia trên 200 thành viên và số vốn điều lệ tăng từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Tiếp tục huy động tăng vốn cổ phần sản xuất kinh doanh lên 1 tỷ đồng. Có phương án vay vốn ngân hàng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.
– Liên kết doanh nghiệp tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên 200 ha;
– Thực hiện tốt các dịch vụ của nhiệm kỳ 2017 – 2022 để làm tiền đề cho các dịch vụ cho các năm tiếp theo.
– Tuyên truyền vận động thêm các thành viên tham gia vào HTX
2.2 Mục tiêu dài hạn
– Đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh và sản phẩm của hợp tác xã
– Thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi để sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ dễ dàng hơn.
– Tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao nâng suất, chất lượng sản phẩm cho các thành viên tham gia hợp tác xã.
– Ổn định được giá cả của sản phẩm hợp tác xã khi cung cấp cho thành viên.
– Chú trọng khai thác các dịch vụ nòng cốt như: liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn, cung cấp đầu vào, cung cấp hàng hóa cho đời sống thành viên.
2.3 Chiến lược phát triển thành viên
– Thành viên trong HTX sẽ mua được hàng hóa giá thấp hơn so với những người không phải là thành viên.
– Thành viên được tìm hiểu, tập huấn và cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu đời sống hàng ngày và nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Tuyên truyền, vận động, quảng bá về lợi ích của HTX
2.4 Chiến lược phát triển dịch vụ
– Thông qua việc tìm hiểu và cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu.
– Thống kê số liệu về các dịch vụ mà thành viên và người dân sử dụng nhiều để từ đó nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của thành viên và bà con trong khu vực, tăng cường khối lượng và chất lượng các dịch vụ này để phục vụ cho người dân
3. Thời gian thực hiện: năm 2023
4. Địa bàn thực hiện dự án: xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
5. Thông tin địa bàn dự kiến dự án được triển khai thực hiện:
Xã Thới Thạnh có gần 1479 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng dừa là 1468 ha, diện tích dừa hữu cơ đến năm 2023 149,5ha. Do diện tích đất canh tác dừa của từng hộ gia đình còn nhỏ lẻ, manh mún, thành viên HTX có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp tuy nhiên quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng với tiềm năng hiện nay của địa phương.
Về lĩnh vực chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật , nhất là nuôi tôm càng xanh toàn đực trong mươn vườn dừa hữu cơ đã được cấp chỉ dẫn địa lý, quy mô sản lượng tăng qua từng năm. Thành viên HTX có hợp đồng đầu vào với doanh nghiệp từ con giống, thức ăn, thuốc, đến thiết bị kỹ thuật,…; Tiến bộ khoa học kỹ thuật sớm được áp dụng vào sản xuất, sau khi được tập huấn, chuyển giao, được thực hiện tốt nên không phát sinh thiệt hại lớn, năng suất, sản lượng tăng đảm bảo. Tuy nhiên hiện nay HTX vẫn chưa có hợp đồng đầu ra đối với gia cầm và thủy sản, thành viên HTX chủ yếu phân phối sản phẩm trong địa phương, thông qua thương lái hoặc một số kênh bán hàng online như zalo, facebook, và giới thiệu sản phẩm của HTX thông qua webside: htxthoithanhthanhphu.com.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả, các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất đảm bảo đáp ứng yêu cầu nên người dân có điều kiện khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Tình hình tiêu thụ sản phẩm xã Thới Thạnh.
- Thuận lợi
- Diện tích đất trồng dừa chuyên canh lớn, chất lượng dừa của Thới Thạnh khá tốt so với mặt bằng chung của tỉnh.
- Lực lượng lao động dồi dào, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nguồn nước được ngọt hóa thích hợp việc tưới tiêu, chăn nuôi gia cầm, thủy sản.
- Hệ thống đường giao thông nông thôn cơ bản đã hoàn thiện thuận lợi cho việc chuyên chở hàng hóa.
- Người dân có tinh thần hợp tác, sẵng sàng chia sẽ kinh nghiệm, kiến thức để giúp đỡ nhau.
- Khó khăn
- Trong những năm tuy đã có HTX nhưng tỷ lệ người dân tham gia HTX còn ít, đa số người dân chủ yếu bán nông sản nhỏ lẻ, từng cá thể chưa có tiếng nói chung chi phí sản xuất cao, dẫn đến lợi nhuận thấp. Việc không tìm ra nguồn thu sản phẩm cũng là 1 khó khăn cho nông dân trong xã khi nông sản đến lúc thu hoạch mà không tìm ra nguồn thu sản phẩm dẫn đến nông sản để lâu không đạt chất lượng.
- Việc sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân khó tiếp cận được sự hỗ trợ từ các cấp, bộ ngành về áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, thu hoạch và bảo quản nông sản.
6. Thông tin về HTX được lựa chọn
Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh được thành lập ngày 15/12/2017, với 19 thành viên ban đầu, tính đến thời điểm hiện tại có 192 thành viên, vốn điều lệ 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng), vốn cổ phần dịch vụ dừa hữu cơ 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng). HTX hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012.
* Bộ máy quản lý điều hành gồm:
+ Hội đồng quản trị gồm 03 thành viên: 01 Chủ tịch HĐQT và 02 Thành viên.
+ Ban Kiểm soát gồm 02 thành viên: 01 Trưởng ban Kiểm soát và 01 thành viên.
+ Ban giám đốc gồm 03 thành viên: 01 giám đốc, 02 phó giám đốc.
+ Ban cố vấn gồm 07 thành viên: 01 Trưởng ban và 06 thành viên (Trưởng ấp 6/6 ấp).
+ Bộ phận giúp việc: 01 kế toán và 01 thủ quỹ.
* Ngành nghề sản xuất kinh doanh:
- Dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngành dừa (liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ).
- Dịch vụ giới thiệu, liên kết tiêu thụ, và tiêu thụ sản phẩm (sơ chế cơm dừa và phụ phẩm từ dừa).
- Dịch vụ cung ứng lao động ngành dừa.
- Dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi, phân, thuốc bảo vệ thực vật.
7. Những nội dung hoạt động chính của dự án
– Tập huấn người nông dân kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, tự động hóa trong khâu tưới tiêu, quản lý sâu hại, dịch bệnh. Cung cấp người nông dân những phần mềm, ứng dụng dự báo thời tiết, thiên tai, hạn mặn, dịch bệnh. Hướng dẫn người dân sử dụng nhật ký canh tác bằng “nhật ký điện tử”,…
– Tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý HTX nâng cao về quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất, phát triển thị trường.
– Hỗ trợ HTX xây dựng hoàn thiện các trang thiết bị máy móc để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa hữu cơ như: lò đun, nấu nước màu dừa, dầu dừa, dây chuyền đóng chai, đóng gói bán tự động, dụng cụ sơ chế dừa dừa,…
– Hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu tập thể hàng hóa tiến tới xây dựng hoàn thiện các sản phẩm OCOP như: nước màu dừa, dầu dừa truyền thống, rượu dừa truyền thống,…
8. Dự kiến kết quả
8.1 Dự kiến lợi nhuận “Xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ” trong 5 năm (2023-2027)
Hiện nay, tổng diện tích đất nông nghiệp địa bàn xã Thới Thạnh là 1468 ha. HTX dự kiến diện tích này ổn định trong 5 năm, với diện tích dừa hữu cơ năm 2023 150ha dự kiến lợi nhuận từ dừa hữu cơ năm 2023 HTX thu được khoảng 150 triệu đồng, lợi nhuận thành viên hưởng lợi trực tiếp từ canh tác hữu cơ ước tính 8 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến diện tích HTX thực hiện dịch vụ tương ứng các năm 2024,2025 đến 2027 tương ứng với bảng thông số trên, thì đến năm 2027 lợi nhuận của HTX là 400 triệu đồng, tổng lợi nhuận mà thành viên hưởng lợi trực tiếp từ canh tác dừa khoảng 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên để đạt được những lợi nhuận như trên HTX cần tăng cường đội ngũ quản lý, công nhân và đặc biệt là phải có kế hoạch phát triển vốn sản xuất kinh doanh trong từng năm, từng giai đoạn cụ thể.
THÔNG SỐ DỪA HỮU CƠ | 2023 | 2024 | 2025 | 2026 | 2027 |
Tổng diện tích đất NN trong xã (ha) | 1.479 | 1.479 | 1.479 | 1.479 | 1.479 |
% diện tích HTX cung cấp DV | 10,1% | 13,5% | 16,9% | 20,3% | 27% |
Diện tích HTX thực hiện hướng dẫn kỹ thuật | 150 | 200 | 250 | 300 | 400 |
Thu nhập từ dịch vụ/ năm | 120 triệu | 200 triệu | 250 triệu | 300 triệu | 400 triệu |
Thu nhập khác từ DV hướng dẫn kỹ thuật | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Vốn sản xuất kinh doanh HTX cần | 1,5 tỷ | 2 tỷ | 2,5 tỷ | 3 tỷ | 4 tỷ |
Tổng lợi nhuận thành viên hưởng lợi trực tiếp từ canh tác dừa hữu cơ/ năm (so với không canh tác hữu cơ) | 1 tỷ | 1,6 tỷ | 2 tỷ | 2,4 tỷ | 3,2 tỷ |
8.2 Dự kiến lợi nhuận “Sơ chế cơm dừa hữu cơ”
HTX tiến hành tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp đối với nguyên liệu dừa của địa phương như: doanh nghiệp nào cần dừa hột, doanh nghiệp nào cần cơm dừa, vỏ dừa, gáo dừa,… sau đó HTX ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cụ thể đối với doanh nghiệp mà HTX có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp nguyên liệu.
HTX “đóng vai trò như người thu gom sản phẩm” , tiến hành thu gom dừa trái của xã viên (có hợp đồng thu mua cụ thể) sau đó tiến hành phân loại, sơ chế thành các sản phẩm nguyên liệu như: cơm dừa, nước dừa, vỏ dừa, gáo dừa
Bảng thông số sơ chế cơm dừa
THÔNG SỐ | 2023 | 2024 | 2025 | 2026 | 2027 | |
1 | Tổng sản lượng dừa sơ chế/ năm | 1,2 triệu trái | 1,5 triệu trái | 1,8 triệu trái | 2,1 triệu trái | 2,7 triệu trái |
2 | Tổng sản lượng cơm dừa sơ chế/ năm | 400 tấn cơm | 500 tấn cơm | 600 tấn cơm | 700 tấn cơm | 900 tấn cơm |
3 | Doanh thu từ sơ chế cơm dừa/ năm | 1,3 tỷ đồng | 1,6 tỷ đồng | 1,9 tỷ đồng | 2,2 tỷ đồng | 2,9 tỷ đồng |
4 | Tổng số lao động/năm | 35 người | 40 người | 45 người | 50 người | 80 lao động |
5 | Vốn sản xuất kinh doanh sơ chế cơm dừa/ năm | 100 triệu đồng | 120 triệu đồng | 140 triệu đồng | 150 triệu đồng | 200 triệu đồng |
6 | Lợi nhuận sơ chế cơm dừa/ năm | 60 triệu đồng | 75 triệu đồng | 90 triệu đồng | 105 triệu đồng | 135 triệu đồng |
Để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh như bảng thông số trên HTX cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, xưởng và thiết bị sơ và có kế hoạch huy động vốn theo lộ trình từng năm, bên cạnh dó HTX cần chú trọng đào tạo công nhân có nguồn lao động kế thừa đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao và chuyên nghiệp của HTX.
9. Dự kiến kinh phí (1,4 tỷ đồng)
– Tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, phần mền quản lý sản xuất “nhật ký canh tác điện tử”; thiết bị đo mặn, đo pH đất, nước kèm phần mềm báo kết quả thông qua tin nhắn điện thoại cho người nông dân: 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng)
– Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác, con giống nuôi tôm càng xanh, ong mật, ốc bưu, … trong vườn dừa hữu cơ: 400.000.000 (bốn trăm triệu đồng)
– Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm như: mật ong hoa dừa hữu cơ, dầu dừa, rượu dừa,… và xúc tiến thương mại: 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng)
– Hỗ trợ dụng cụ sơ chế, lò đun,… 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng)
– Hỗ trợ tập huấn quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX: 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng)
Trên đây là dự án xây dựng vùng dừa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX NN Thới Thạnh.
(Nguồn: HTX NÔNG NGHIỆP THỚI THẠNH)
Để lại một phản hồi