Nông dân Bến Tre nói chung và nông dân huyện Mỏ Cày Nam nói riêng đã quen với cách chăm sóc dừa bằng phân vô cơ. Nhưng từ năm 2018, một bộ phận nông dân Mỏ Cày Nam bắt đầu chăm sóc dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ (HC) và kết hợp du lịch.
Canh tác dừa hữu cơ
Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh phát triển 4.500ha dừa HC. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đóng vai trò cầu nối giúp doanh nghiệp sản xuất và người trồng dừa liên kết trong sản xuất sản phẩm từ dừa HC.
Dừa HC cung cấp nguồn nguyên liệu sạch chế biến các sản phẩm từ dừa xuất sang thị trường châu Mỹ, châu Âu. Dừa HC khi chăm sóc không được bón phân, thuốc vô cơ, phân chuồng phải được ủ hoai mục khi bón, không được chăn nuôi heo, gà, vịt… với quy mô lớn. Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị như: Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH MTV dừa Hào Quang, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đang liên kết với nông dân huyện Mỏ Cày Nam chăm sóc 2.755ha dừa theo tiêu chuẩn HC.
Năm 2018, An Định và Tân Trung là 2 xã đầu tiên trồng dừa HC. Mô hình ngày càng có hiệu quả. Đến năm 2019, dừa HC được nhân rộng đến xã Hương Mỹ. Theo ông Huỳnh Văn Long – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Mỹ, được tin nông dân An Định và Tân Trung chăm sóc dừa theo tiêu chuẩn HC mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân Hương Mỹ mừng lắm và học hỏi kinh nghiệm. Rất may, năm 2019, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới vận động 45 hộ chăm sóc gần 48ha dừa HC. Năm 2020, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) vận động 333 hộ chăm sóc gần 293ha dừa HC. Hai công ty này đã đến gặp bà con triển khai quy trình canh tác theo tiêu chuẩn HC. “Lợi thế ở Hương Mỹ ít chăn nuôi theo quy mô trang trại. Người dân Hương Mỹ canh tác dừa HC rất tuân thủ theo sự giám sát của công ty mua dừa. Hiện vườn dừa ở xã Hương Mỹ chưa bị sâu đầu đen xâm hại. Toàn xã hiện có khoảng 300ha dừa đạt tiêu chuẩn HC. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Hương Mỹ có 500ha dừa HC”, ông Long nói.
Hộ ông Trần Văn Ưa, ở ấp Mỹ Đức, xã Hương Mỹ tham gia chăm sóc dừa HC được 3 năm, với diện tích 1ha (200 gốc dừa khoảng 30 năm tuổi). “Từ năm 2018 trở về trước, 1ha dừa tôi thu hoạch nhiều lắm 1.200 trái/tháng (vụ thuận từ tháng 10 (âl) năm trước đến tháng 4 (âl) năm sau). Từ khi tham gia dừa HC thì thu hoạch lên đến 1.500 trái/tháng vào vụ thuận. Trái dừa to gấp rưỡi”, ông Trần Văn Ưa nói.
Bên cạnh bón phân gà do Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới hướng dẫn, vào mùa nắng ông Ưa bón thêm phân cá. Cá vụn, vỏ trái khóm và chế phẩm sinh học EM ủ 3 tháng trong máy đầm, sau đó lấy nước tưới xung quanh gốc dừa. Xác cá vụn và vỏ khóm, ông Ưa đào hố chôn theo gốc dừa. Thấy ông Ưa tham gia chăm sóc dừa HC, có 11 hộ ở gần cùng tham gia, trong đó có ông Trần Trọng Kỉnh tham gia, với diện tích nhiều nhất 1,5ha.
Kết hợp du lịch
Xã Định Thủy có 1.112ha dừa, trong đó có 101ha dừa HC, với 86 hộ dân hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới từ năm 2020 đến nay. Nông dân rất phấn khởi khi bán dừa HC cho công ty vì giá luôn cao hơn bên ngoài từ 5 – 10 ngàn đồng/chục. Để nâng cao giá trị vườn dừa HC, nông dân xã Định Thủy nghĩ ra sáng kiến kết hợp du lịch trong vườn dừa HC.
Toàn xã Định Thủy hiện có 4 hộ trồng dừa HC kết hợp du lịch, với tổng diện tích gần 4ha tại các ấp: Thanh Hưng, Thanh Phước và An Quới. Vườn dừa HC có trồng bưởi, hoa kiểng, nuôi tôm, cá và vẽ tranh cát. Bà Nguyễn Thu Hằng, ở ấp An Quới nói về kết hợp du lịch trong vườn dừa HC: “Do không có chăn nuôi trong vườn dừa mà lại bón phân HC, dừa rất xanh. Tôi có trồng mấy cây dừa xiêm trái khá to rất bắt mắt du khách. Trên bờ trồng dừa, dưới mương thì nuôi cá và tôm càng xanh để phục vụ du khách. Tôi đang đầu tư du lịch homestay trong khuôn viên gần 1,2ha vườn dừa HC, với 140 gốc từ 5 – 50 năm tuổi. Do mới đầu tư du lịch nên tôi cất một căn nhà chủ yếu bằng cây dừa cho du khách ăn, ngủ và sinh hoạt chung với gia đình tôi. Bên cạnh đó, du khách còn được tìm hiểu cách chăm sóc dừa theo tiêu chuẩn HC mà tôi đang thực hiện. Về ẩm thực, tôi nấu những món ăn có liên quan đến dừa HC cho du khách: tép rang dừa, bánh dừa… Qua đó, du khách tìm hiểu đất, con người Định Thủy trên quê hương Đồng Khởi”.
Ông Bùi Văn Phú – Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Thủy cho hay: Mỗi hộ tham gia trồng và chăm sóc dừa HC đều có 1 quyển nhật ký canh tác để tuân thủ theo tiêu chuẩn sản xuất HC Mỹ (USDA/NOP) và châu Âu (EU). Trong các buổi tập huấn về canh tác dừa HC, nông dân được hiểu rõ tác tại của sử dụng phân thuốc vô cơ và lợi ích của nông nghiệp HC (sử dụng phân, thuốc vi sinh). Để canh tác dừa đáp ứng tiêu chuẩn HC, người trồng dừa phải thực hiện 8 bước cơ bản: chuẩn bị đất và cây giống, thiết lập vùng đệm cho trang trại, quản lý nguồn nước, quản lý dinh dưỡng; quản lý sâu, bệnh hại và cỏ dại; thu hoạch và vận chuyển về nhà máy; quản lý rác thải; mục đích và cách thức thực hiện ghi chép.
“Nông dân tham gia trồng dừa hữu cơ rất có lợi về giá bán và năng suất. Vườn dừa xanh tốt lâu và bền. Người tham gia trồng dừa hữu cơ và công ty mua dừa phải đặt chữ tín lên hàng đầu để đôi bên cùng có lợi mang tính lâu dài. Toàn huyện Mỏ Cày Nam có 16.870ha dừa, trong đó diện tích thu hoạch 16.400ha, năng suất khoảng 12 ngàn trái/ha. Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt 5.000ha dừa hữu cơ, kết hợp với du lịch để nâng cao giá trị diện tích vườn dừa hữu cơ”.(Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Nam Đặng Thanh Tùng)
Bài, ảnh: Hoàng Vũ
Báo Đồng Khởi
Để lại một phản hồi